Các công trình trình diễn

Tòa nhà Văn phòng FPT - Đà Nẵng
Tổng diện tích sàn: 100.000 m2. Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần Đô thị FPT Đà Nẵng. Công năng: Văn phòng

Áp dụng các yêu cầu tối thiểu của QCVN 09:2013/BXD sẽ cho phép giảm mức tiêu thụ năng lượng khoảng 25% so với phương pháp thiết kế truyền thống hiện nay. Bản thiết kế công trình cuối cùng đã cao hơn yêu cầu của Quy chuẩn và dự kiến sẽ giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng 50%.


Thiết kế mặt ngoài và hệ thống chiếu sáng: Mặt ngoài công trình FPT được thiết kế để giảm mức tiêu thụ năng lượng sử dụng cho chiếu sáng và làm mát. Tỷ lệ diện tích cửa sổ-tường của công trình là 35%. Mức này vừa đủ để bảo đảm tầm nhìn tốt ra bên ngoài, đồng thời cho phép ánh sáng trời đi vào trong nhà, nhờ đó tránh được ảnh hưởng của việc sử dụng diện tích kính lớn làm tăng tải làm mát và giảm mức độ tiện nghi cho người sử dụng. 

Như đã thấy trong Hình 2 (H2), các cửa sổ đều có 2 phần, phần cửa trên đón ánh sáng trời và phần dưới để bảo đảm tầm nhìn. Phần cửa đón ánh sáng trời sử dụng cửa chớp lật cố định để ánh sáng khuếch tán vào trong nhà nhưng đồng thời cũng ngăn mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng chói, gây khó chịu cho người sử dụng. Phần cửa dưới sử dụng rèm cuốn thủ công.

Chủ đầu tư đã cân nhắc sử dụng kết cấu che nắng ngoài để tăng cường che nắng cho phần cửa sổ dưới và tăng phản chiếu ánh sáng trời vào sâu trong phòng qua phần cửa sổ trên lấy ánh sáng trời. Tuy nhiên, do Đà Nẵng nằm trên đường đi của các cơn bão nhiệt đới, đôi khi cường độ gió rất mạnh nên công trình đã không sử dụng kết cấu này. 

Để tận dụng ánh sáng trời làm nguồn sáng chính cho khuôn viên công trình, đèn điện được bố trí để các hệ thống mạch ngoài có thể tự động tắt bằng thiết bị điều khiển chiếu sáng khi có ánh sáng trời. Mạch 1 và Mạch 2 sẽ được điều khiển độc lập tùy theo mức độ ánh sáng trời. 

Máy tính tiết kiệm năng lượng: Công trình chủ yếu sẽ được sử dụng bởi các kỹ sư phần mềm nên mức tiêu thụ điện của các thiết bị công nghệ thông tin dự kiến sẽ cao. Tập đoàn FPT đang cân nhắc sử dụng máy tính bàn ảo, trong đó mỗi người sử dụng sẽ có một thiết bị đầu cuối kết nối với máy chủ trung tâm, không dùng ổ cứng để giảm tải lắp đặt ở mức khoảng 5 W/m2. Mức này thấp hơn đáng kể so với công suất thiết kế thông thường là 12 W/m2. Một lợi ích nữa của giải pháp là giảm được tải làm mát chung của công trình. 


Hiệu quả tổng hợp của các giải pháp trên là giảm được hơn 50% tổng mức tiêu thụ điện của công trình từ mức ban đầu 242 kWh/m2/năm xuống còn 113 kWh/m2/năm. Tính toán thực hiện dựa trên phân tích mô phỏng năng lượng. 



Văn bản đính kèm:
Tên văn bản: Công trình trình diễn Tòa nhà Văn phòng FPT Đà Nẵng