Xây dựng công trình theo hướng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người ngày càng phổ biến và trở thành xu thế trên thế giới.
Tuy nhiên, hiện số lượng công trình xanh vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường xây dựng Việt Nam. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy xung quanh vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy. (Ảnh: xaydung.gov.vn)
Phóng viên: Khái niệm công trình xanh đã xuất hiện ở Việt Nam và được đón nhận khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, tiêu chuẩn về công trình xanh cũng như các công trình đạt chuẩn này vẫn còn rất khiêm tốn. Xin Thứ trưởng phân tích rõ hơn về vấn đề này?
Thứ trưởng: Tại hầu hết các nước có trình độ xây dưng tiên tiến trên Thế giới như Nhật Bản, Đức, Singapore..., Chính phủ họ đều đã yêu cầu áp dụng các quy định kỹ thuật xây dựng công trình xanh, tiết kiệc năng lượng khi đầu tư xây dựng công trình. Tại Việt Nam, xây dựng công trình xanh được khởi xướng và tiếp cận từ năm 2007 kể từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
Hiện Việt Nam mới có khoảng 61 công trình xây dựng được chứng nhận là công trình xanh bởi các tổ chức uy tín trong và ngoài nước. Tuy nhiên, số lượng này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường xây dựng Việt Nam.
Đáng lưu ý, các công trình xanh mới chỉ được quan tâm ở phân khúc cao cấp và do các chủ đầu tư là các tập đoàn, công ty đa quốc gia với mục tiêu quảng bá hình ảnh sản phẩm và thương hiệu, cũng như mục đích giảm thiểu chi phí vận hành là chính.
Việc phát triển về công trình xanh ở Việt Nam còn chậm, chưa thực sự bắt nhịp với các nước phát triển thế giới có nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là sự hiểu sai về chi phí xây dựng khi thực hiện xây dựng công trình xanh như sẽ bị tăng thêm 20 - 30% chi phí; thiếu các thông tin về hiệu quả sử dụng tài nguyên của công trình, cải thiện tiện nghi của người sử dụng.
Thậm chí, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu, giới hành nghề trong nước còn chưa được tiếp cận rộng rãi với các khái niệm, kỹ năng, công nghệ về thiết kế và xây dựng công trình xanh. Tuy nhiên, trên hết vẫn là thiếu sự nhìn nhận đúng đắn và rõ ràng về lợi ích của công trình xanh của các bên có liên quan trong quá trình đầu tư xây dựng công trình.
Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết mối quan hệ giữa công trình xanh với biến đổi khí hậu?
Thứ trưởng: Theo đánh giá của các tổ chức Quốc tế, Việt Nam là một trong năm quốc gia quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt trên mọi miền đất nước như hạn hán, thiên tai, bão, lũ xảy ra khắp các vùng, miền đã gây thiệt hại năng nề về kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng..
Công trình xanh vẫn khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường. (Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)
Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách trong mọi ngành, mọi lĩnh vực phải có chiến lược, định hướng và các giải pháp cụ thể để nâng cao khả năng dự báo, ứng phó trước mắt cũng như lâu dài trước những kịch bản biến đổi khí hậu.
Qua thống kê thực tế, năng lượng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng và cho hộ gia đình chiếm đến 37% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Năng lượng sử dụng trong suốt vòng đời gây đến 90% tác động môi trường của các tòa nhà. Như vậy, mức độ ảnh hưởng đến môi trường của ngành xây dựng là tương đối lớn.
Trong khi đó, dưới áp lực về gia tăng dân số, đặc biệt là tốc độ tăng dân số đô thị ngày càng cao (dự báo đến năm 2020, dân số đô thị chiếm khoảng 36 - 38 triệu người, chiếm 38 - 40% dân số cả nước) thì nhu cầu phát triển nhà ở vẫn rất lớn đòi hỏi phải gia tăng.
Đối với ngành Xây dựng, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Bộ Xây dựng đã chủ động, khẩn trương nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp và một trong số đó là xây dựng công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hiện tại, về thể chế, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn về xây dựng công trình sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đồng thời, Bộ đang nghiên cứu hoàn thiện Đề án “Chiến lược phát triển công trình xanh ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050” cũng như hoàn thiện hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh... để tạo hành lanh pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển xây dựng công trình xanh tại Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ đã tăng cường hợp tác quốc tế về tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà với các Tổ chức tài chính quốc tế thuộc Ngân hàng thế giới (IFC-WB), Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Chính phủ Đan Mạch, Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC)...
Phóng viên: Số công trình xanh vẫn còn ít so với tiềm năng xây dựng nhưng lại chỉ tập trung ở phân khúc cao cấp. Vậy trong thời gian tới, người nghèo, người có thu nhập trung bình liệu có mong đợi được hưởng lợi ích từ các công trình xanh không thưa ông?
Thứ trưởng: Thực tế, trong những năm vừa qua, công trình xanh đối với các loại nhà ở thương mại bước đầu cho thấy hiệu quả thông qua việc cắt giảm điện năng và nước tiêu thụ cũng như góp phần cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Điển hình là dự án Thăng Long Number One của chủ đầu tư Viglacera tại Hà Nội hay dự án Ehome 5 của chủ đầu tư Nam Long tại thành phố Hồ Chí Minh…
Hiện tại, công trình xanh cũng đã bắt đầu được triển khai và ứng dụng ở một số dự án chung cư phân khúc giá thấp và trung bình. Trường hợp thành công của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House) với những dự án nhà ở xã hội EcoHome (Bắc Từ Liêm - Hà Nội) là một ví dụ điển hình.
Trong nỗ lực tái cấu trúc thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, khắc phục sự lệch pha cung - cầu, hướng tới một thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, Bộ Xây dựng đã xác định ưu tiên phát triển nhà ở thuộc phân khúc giá thấp và trung bình.
Đây là phân khúc sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của đại đa số người mua. Nếu như các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng đối với phân khúc này là nhằm để giảm giá thành và do đó giúp giảm chi phí ban đầu cho người mua thì các giải pháp về xây dựng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng chính là giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ lâu dài, ổn định cho người dân sinh sống trong tòa nhà; đồng thời góp phần tích cực thực hiện Chiến lược, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh.
Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường trước thách thức ứng phó biến đổi khí hậu, ngành Xây dựng cần phải giải quyết được yêu cầu về áp lực lo nhà ở cho người dân có thu nhập thấp nhưng vẫn phải đảm bảo phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch hành động của quốc gia cũng như của Ngành về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!